Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp!

Con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ, thì linh hồn con hết lòng trông cậy vững vàng, khác nào con thảo đối với Mẹ lành vậy.

Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ. Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành.

Vì Mẹ là Mẹ Người, vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người, cùng đủ quyền buộc Người phải ưng nhận lời Mẹ. Người đã xưng thật Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì, mà lại ước ao muốn nghe lời Mẹ xin.

Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu! Lời Mẹ cầu bầu rất đỗi thần thế, nên con dám nài xin Mẹ trong giờ khấn này, ban cho con như ý con xin.

Con hết lòng cầu xin và trông cậy vững vàng Mẹ sẽ chuyển cầu cho con.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp!

Xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các linh hồn đáng thương trong lửa luyện ngục.

Thánh Maria, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bầu cho con.

Lạy Thánh Anphongsô, quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Mẹ Maria.

Amen.

Nguồn: Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhathothaiha.net

Các mẫu tượng và bàn thờ Công giáo do Filumena sáng tác

10% giá trị mỗi tác phẩm tượng Công giáo Filumena là đóng góp của quý vị cho việc Bảo vệ Sự sống, giúp đỡ người nghèo, người bệnh và nâng đỡ trẻ em khó khăn.

Ít nhất 25% lợi nhuận của Filumena cũng được dành cho 3 việc bác ái trên thông qua Quỹ Filumena Tình thương và Hy vọng.

Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào ngày nào?

Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào ngày 27 tháng 6 hằng năm

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tiếng Anh là gì?

Tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong tiếng Anh là Our Mother of Perpetual Succour hay Our Mother of Perpetual Help, trong tiếng Latin là Nostra Mater de Perpetuo Succursu, tiếng Pháp là Notre-Dame du Perpétuel Secours.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một tước hiệu của Đức Mẹ. Phần mở đầu Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là câu “con được đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ”. Điều đó có nghĩa là đây là một lời kinh gắn liền với một bức chân dung của Đức Mẹ.

Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gắn liền với linh ảnh này
Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lần đầu tiên được biết tới vào năm 1495, được vẽ theo phong cách Byzantine. Linh ảnh này được một thương nhân đem tới Roma từ đảo Creta thuộc Hy Lạp. Sau đó, linh ảnh được trưng bày tại nhà thờ Thánh Matthêu tại Roma trong suốt 300 năm kể từ năm 1499 (nguồn: nationalshrine.org).

Ngày nay linh ảnh này được trưng bày tại nhà thờ Thánh Anphongsô cũng tại Roma, được gìn giữ bởi Dòng Chúa Cứu Thế, nơi những tuần Cửu nhật khấn cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được tổ chức liên tục quanh năm.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp còn được treo tại rất nhiều nhà thờ và gia đình trên khắp thế giới. Mỗi ngày, con cái Mẹ vẫn chạy tới dưới chân ảnh Mẹ, đọc kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xin Mẹ chuyển cầu và ban ơn.

Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được mừng kính vào ngày 27 tháng 6 hàng năm.

Ý nghĩa và sứ điệp thông qua linh ảnh đã được giải thích trên website TGP Sài Gòn, Filumena xin được trích dẫn lại dưới đây.

Ý nghĩa linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Trên bức ảnh cũng như trong lời Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ta nhìn thấy Đức Mẹ Maria trên tay bồng ẵm Chúa Giêsu. Ánh mắt Đức Mẹ nhìn thẳng vào người ngắm nhìn ảnh chứ không hướng về Chúa Giêsu trên tay mình, và cũng chằng hướng lên trời cao. Ánh mắt nhìn của Đức Mẹ tỏa nét nghiêm nghị buồn sầu, nhưng lại như có sức thu hút lôi kéo sự chú ý của người nhìn vào bức ảnh.

Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức mẹ như một em bé tuổi thơ, nhưng gương mặt tỏa ra nét của một người lớn tuổi. Trong Kinh Mẹ Hằng Cứu Giúp, hình ảnh này được thể hiện qua câu: “Con thấy Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người, và cũng là Chúa con đang ngự trên tay Mẹ”.

Khung nền bức ảnh toàn là màu vàng. Theo suy nghĩ thời trung cổ, màu vàng là biểu tượng nói về bầu trời. Đức mẹ khoác áo choàng màu xanh tối đậm có lớp vải lót bên trong màu xanh lá cây và áo dài màu đỏ. Ba màu xanh da trời, xanh lá cây và đỏ là những màu của nữ hoàng vua chúa. Chỉ nữ hoàng được mang mặc màu này thôi.

Trên vầng trán Đức mẹ có ngôi sao tám cánh, có lẽ về sau người ta vẽ thêm vào, nhưng ý nghĩa muốn diễn tả theo như văn hóa thần học Đông phương, Đức Mẹ là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho ta hướng về Chúa Giêsu. Và để làm nổi bật ý nghĩa này một vòng tròn hình thánh giá được vẽ chung quanh đầu Đức Mẹ.

Phía bên cạnh Đức mẹ có những chữ viết tắt bằng tiếng Hylạp „MR TU“ – Mater Theou, có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa.

Phía bên Chúa Giêsu có hàng chữ cũng bằng tiếng Hylạp „ IC XC“= Jesuos Christos: Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.

Kinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gắn liền với linh ảnh này
Linh ảnh gốc khơi nguồn cho Kinh Mẹ Hằng Cứu Giúp

Hai bên phía trên bức ảnh có hình hai Thiên Thần. Hình Thiên Thần phía bên trái cầm chiếc đòng ngọn giáo có hàng chữ chú thích: „ O AR M“ = O Archangelos Michael= Tổng lãnh Thiên Thần Michael. Vị tổng lãnh thiên thần này chỉ huy các Thiên Thần chống lại quỷ dữ Satan nổi loạn chống Thiên Chúa, như sách Khải huyền diễn tả ( Kh 12,7). Vị Tổng lãnh Thiên Thần này có tên Quis ut Deus : Ai bằng Thiên Chúa.

Thiên Thần Michael cầm chiếc bình nước đắng cùng với cây gậy có quấn miếng bọt biển thấm nước, mà người lính đưa lên cho Chúa Giêsu nhắp uống lúc Ngài bị treo trên thập giá (Mt 27,48). Tay ông cũng cầm một cây đòng nhọn, thứ khí cụ này quân lính dùng đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu thâu vào trái tim khi chết trên thập giá (Ga 19,28-36).

Hình Thiên thần bên phải với dòng chữ „O AR G“ O Archangelos Gabriel= Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel. Vị tổng lãnh Thiên Thần này đã đến truyền tin cho Đức mẹ, báo tin Chúa Giêsu xuống làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria (Lc 1,28). Trong tay Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel cầm cây thánh giá và 4 chiếc đinh sắt. Những dụng cụ này nói lên cuộc đời Chúa Giêsu sẽ phải chịu đau khổ chết trên thập giá thế nào.

Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức Mẹ ngoái cổ nhìn sang hai bên phía trên đầu thấy hai Thiên Thần một vị cầm bình nước đắng và một vị cầm cây thập giá với đinh nhọn làm Ngài sợ hãi. Như em bé đang lúc sợ hãi, chui vào lòng mẹ mình, Chúa Giêsu sợ hãi quá nên ngồi nép sát vào lòng Đức mẹ, hai tay ôm chặt lấy mẹ mình tìm sự che chở an toàn. Có lẽ trong lúc sợ hãi đó chiếc dép rơi tuột khỏi chân Chúa Giêsu như trong hình vẽ họa lại

Sứ điệp của linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Đức Mẹ tuy bồng ẵm Chúa Giêsu trong lúc con mình sợ hãi, nhưng lại không hướng ánh mắt về con mình, mà về phía người đối diện ngắm nhìn bức ảnh. Điều đó như Đức Mẹ muốn nhắn gửi sứ điệp:

“Là người mẹ, mẹ biết con mẹ đang tìm sự an ủi chở che, nên ngồi sát nép vào lòng mẹ tìm sự an ủi giúp đỡ để con mẹ làm trọn hảo ý Thiên Chúa muốn. Và mẹ chấp nhận vâng theo ý Thiên Chúa bằng lòng để con mẹ hy sinh cho công cuộc cứu rỗi loài người khỏi vòng tội lỗi. Mẹ đã nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa ngay từ giây phút Thiên Thần đến truyền tin cho mẹ. Điều này mẹ không bao giờ rút lại.

Như Chúa Giêsu, con mẹ, nép sát mình bên mẹ khi sợ hãi lúng túng nhìn thấy cây thập giá, con người các con trong cơn khốn khó đau khổ, cũng được phép chạy đến tìm sự an ủi giúp đỡ nơi mẹ.

Mẹ là người mẹ luôn sẵn sàng phù hộ giúp đỡ cho những người cần đến kêu cầu mẹ.

Và trong dòng thời gian do lòng kính mến cùng biết ơn, người ta ca tụng tặng mẹ danh hiệu: Đức Bà phù hộ các giáo hữu! Đức Bà an ủi kẻ âu lo!

Mẹ vui mừng được làm công việc của một người mẹ bây giờ ở trên trời chuyển lời cầu xin của người tín hữu tới nhan Thiên Chúa, Đấng là kho tàng mọi ân đức phúc lộc cho con người.”

Filumena xin kết thúc bài viết bằng lời cầu nguyện: Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù nghịch, và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các linh hồn đáng thương trong lửa luyện ngục.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang