Kinh Cám Ơn: người nghèo tạ ơn Chúa (Henry Tanner 1894)

Kinh Cám Ơn : con tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh

Kinh Cám Ơn

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay {tối thì đọc: ngày hôm nay} được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp.

Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.

Nguồn: Kinh Cám Ơn, trang 25, Sách kinh Giáo phận Bùi Chu

Imprimatur, Bùi Chu ngày 03/11/1983

+J.M. Vũ Duy Nhất, Giám mục Bùi Chu

Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; trong khi cầu nguyện, hãy tỉnh thức mà tạ ơn

Thánh Phaolô Tông đồ (CI 4,2)
Kinh Cám Ơn: người nghèo tạ ơn Chúa (Henry Tanner 1894)
Kinh Cám Ơn: tác phẩm “Người nghèo tạ ơn Chúa” (Henry Tanner 1894)

Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người

Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu

Giải thích các từ cổ trong Kinh Cám Ơn

  • lòng lành: nghĩa là “từ tâm” có “tấm lòng khoan dung hiền từ.” Câu kinh diễn tả “Chúa lòng lành vô cùng” nghĩa là “Chúa luôn luôn có tấm lòng khoan dung hiền từ đối với mỗi người chúng ta.”
  • thể nào: đồng nghĩa với “thế nào”, nghĩa là cùng một cách thế

Nguồn: Rosa Lima

Ý nghĩa Kinh Cám Ơn

Lời kinh Cám Ơn đã kể ra hàng loạt những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta : “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời”.

Chúng ta không có quyền nào đòi Thiên Chúa phải sinh ra chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta có mặt ở đời này là một ân huệ rất lớn lao; và có mặt ở đời này dưới nhiều hình thức, có thể là vật vô tri, vô giác như núi, đồi, sông, biển, hoặc là thực vật, hoặc là động vật, nhưng “Chúa đã cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con”.

Ơn gọi làm người là trung tâm của vũ trụ, là đỉnh cao của công trình tạo dựng, và nhất là con người được sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Không như thế giới vật chất này, chỉ bằng một lời Thiên Chúa phán, một ý Thiên Chúa muốn là lập tức có (x.St 1.2,1-4). Nhưng riêng con người đã được Thiên Chúa thổi hơi và trao ban sự sống của chính Thiên Chúa cho con người chúng ta. Một cấp bậc cao hơn hẳn. Siêu thoát và thiêng liêng.

Ơn gọi làm người là một hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa lại cho con người chúng ta được Thiên Chúa “hằng gìn giữ, hằng che chở và cho Ngôi Hai xuống thế làm người chịu nạn, chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời”. Chúng ta làm người đã là hạnh phúc và hạnh phúc hơn nữa vì là người có Đạo Công Giáo.

Người Kitô hữu mang trong mình một sứ mệnh rất lớn lao, đó là cộng tác với Thiên Chúa để hoán cải thế giới, để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Kinh Hòa Bình của thánh Phanxico Assisi). Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi là men, là muối giữa đời, là ánh sáng cho trần gian.

Như vậy, lời Kinh Cám Ơn không chỉ là lời biết ơn với Thiên Chúa, đồng thời cũng nhắc nhở ta về những bổn phận và trách nhiệm của mỗi người Công giáo sao cho xứng với những ân sủng ta đã nhận được.

Nguồn: Lời Cảm Ơn Thiên Chúa, TGP Hà Nội

Lưu ý: Một số tín hữu có thể viết hoặc dùng tên gọi Kinh Cảm Ơn, cũng là ý chỉ Kinh Cám Ơn này.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang