Người con hoang đàng trở về bên Cha mình

Kinh ăn năn tội: Lời kinh của sự sám hối, từ bỏ tội lỗi

Kinh ăn năn tội là lời cầu nguyện thể hiện sự sám hối của hối nhân vì đã phạm tội, xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa đồng thời dốc lòng chừa. Kinh ăn năn tội bao gồm hàm ý muốn xưng thú, từ bỏ mọi tội lỗi, sửa đổi, đền bù và quay về với Thiên Chúa.

Kinh ăn năn tội có từ thế kỷ thứ mười sáu XVI. Tín hữu Công giáo thường đọc kinh ăn năn tội trước khi xưng tội.

Kinh ăn năn tội

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

Nguồn: Kinh ăn năn tội, trang 19 Sách kinh Giáo phận Bùi Chu

Imprimatur, Bùi Chu, ngày 03/11/1983

+J.M. Vũ Duy Nhất, Giám mục Bùi Chu

Kinh ăn năn tội mô tả bởi tranh vẽ Thánh Phêrô thống hối (Guido Reni 1635)
Thánh Phêrô thống hối (Guido Reni 1635)

Kinh ăn năn tội trước khi xưng tội

Việc xưng tội bao gồm 3 phần: chuẩn bị tâm hồn – xét mình, xưng tội và đền tội. Nếu thiếu một trong ba phần trên thì việc xưng tội không thể trọn được.

Trước hết, hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể xét mình một cách tốt đẹp. Trong tâm tình cầu nguyện, hãy xem xét lại tất cả những hành vi của mình dưới ánh sáng của Mười Điều Răn và gương Chúa Kitô.

Khi đã xét mình xong, hối nhân có thể đọc kinh Ăn Năn Tội trước khi xưng tội trước hết để cảm nghiệm về lòng Thương Xót không giới hạn của Thiên Chúa “Đấng trọn tốt trọn lành”. Đồng thời, ta cũng nhìn nhận, có ý thức về những yếu hèn của chính ta, nhận ra ta đã phản nghịch cùng Chúa. Bên cạnh sự hối hận trong lòng, qua Kinh Ăn Năn Tội, ta hứa với Chúa sẽ tránh dịp tội và dốc lòng chừa thật.

Kinh đền tội sau khi xưng tội

Khi một hối nhân xưng tội, các Linh mục giải tội thường chỉ dẫn việc đền tội. Mục đích của việc đền tội là để làm nguôi cơn giận của Chúa, đồng thời sửa lại những lỗi lầm đã xúc phạm hoặc những thiệt hại lỗi công bằng đối với người bị thiệt thòi (Nguồn: HĐGM Việt Nam)

Thông thường, các Linh mục giải tội thường khuyên hối nhân đọc một vài kinh như kinh Lạy Cha, kinh Mười Điều răn, kinh Tin Kính hay kinh Kính Mừng. Ngay trước khi Linh mục đọc lời xá giải, hối nhân có thể đọc kinh Ăn năn tội (xin xem thêm Cách xưng tội).

Trong suy nghĩ của nhiều người, việc đọc kinh đền tội đó là đã đủ phần đền tội. Vô tình chúng ta coi việc thân thưa với Chúa những lời kinh lại là những hình phạt. Tâm tình con thảo đối với Cha hiền trở thành một gánh nặng. Ví dụ, nếu lăng mạ người khác hoặc lỗi công bằng với những người xung quanh, mà chỉ đọc một hai kinh như vậy, thì quá dễ dàng!

Thực ra, nếu hối nhân được đề nghị đọc một vài kinh sau khi xưng tội thì đó không phải là đọc kinh đền tội, mà là những gợi ý cầu nguyện để xin ơn tha thứ, đồng thời thể hiện thiện chí dốc lòng chừa và xa lánh tội lỗi của mình. Những lời cầu nguyện đó không phải là “hình phạt”, nhưng đó là tâm sự thân thiết của chúng ta với Chúa. Đấy là tâm tình của một người con thảo với cha hiền, để giãi bày lòng yêu mến biết ơn chân thành.

Việc đền tội đúng nghĩa, đó là sửa lại những lỗi lầm, đền bù những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất, làm hòa với những người mình đã lỡ xúc phạm (xin xem thêm Cách xưng tội). Bí tích Hòa giải giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa vì các tội chúng ta đã phạm, nhưng còn hậu quả của tội (ta thường gọi là vạ, hoặc hình phạt do tội), chúng ta có được tha hay không còn tùy thuộc mức độ thành tâm và thiện chí sửa lại hậu quả tội lỗi của chúng ta.

Kinh Ăn Năn Tôi đọc khi nào?

Tín hữu Công giáo thường đọc kinh ăn năn tội trước khi xưng tội, lúc xét mình. Tuy nhiên, ta có thể đọc Kinh Ăn Năn Tội thường xuyên trước hết để cảm nghiệm về lòng Thương Xót không giới hạn của Thiên Chúa là “Đấng trọn tốt trọn lành”. Đồng thời, ta cũng nhìn nhận, có ý thức về những yếu hèn của chính ta, nhận ra ta đã phản nghịch cùng Chúa. Bên cạnh sự hối hận trong lòng, qua Kinh Ăn Năn Tội, ta hứa với Chúa sẽ tránh dịp tội và dốc lòng chừa thật. Vì thế, đây cũng là một kinh đền tội sau khi xưng tội.

Kinh ăn năn tội minh họa bới câu chuyện người con hoang đàng trở về bên Cha mình
Kinh ăn năn tội minh họa bới câu chuyện người con hoang đàng trở về bên Cha mình (Rembrandt, 1606-1669)

Ý nghĩa các từ trong Kinh ăn năn tội

  • Lạy Chúa: là lời cung kính sấp mình trước nhan thánh Chúa
  • Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng: Trọn tốt trọn lành là thuật ngữ chỉ phẩm tính thiện hảo của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, là Sự Thiện tuyệt đối. Đó là con đường thiên liêng mà con người được mời gọi tiến bước theo khuôn mẫu Đức Kitô: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
  • Chúa đã dựng nên con: “Chúa đã dựng nên con” là một ân huệ lớn lao, trọng đại vì từ hư không nhưng do ý muốn và tình yêu của Thiên Chúa mà con người được ơn hiện diện.
  • và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con: Con Chúa là tước hiệu của Chúa Giêsu Kitô, ra đời là thuật ngữ Công giáo chỉ việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết vì con chỉ việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá để cứu chuộc nhân loại, mở ra cho con người con đường tới với cùng đích là trở về nhà Thiên Chúa
  • mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa: Satan và những kẻ theo nó luôn xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19)
  • thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự: lo buồn đau đớn và chê ghét mọi tội là hồng ân Thiên Chúa ban cho hối nhân dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Điều này nói lên sự ăn năn cách trọn , xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đây là một trong những điều kiện cần để lãnh nhận bí tích Hòa giải.
  • Con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng: Theo Giáo lý của Giáo hội Công giáo, việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải bao gồm ba phần: ăn năn tội trong lòng, ăn năn tội bằng lời xưng tội qua việc dốc lòng chừa cải và ăn năn tội bằng cách làm việc đền tội cho xứng
  • Amen: Amen nghĩa là đúng thật như vậy, ước gì được như vậy. Amen được dùng để diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, sự chân thật, vững vàng trong các lời hứa của Ngài và lòng trông cậy của con người đối với Thiên Chúa.

Kinh ăn năn tội tiếng Anh – Act of Contrition

Bản kinh truyền thống

O my God, I am heartily sorry for having offended Thee, and I detest all my sins because of thy just punishments, but most of all because they offend Thee, my God, who art all good and deserving of all my love.

I firmly resolve with the help of Thy grace to sin no more and to avoid the near occasion of sin. Amen.

Nguồn: vaticannews.va

Bản kinh khác

My God, I am sorry for my sins with all my heart. In choosing to do wrong and failing to do good, I have sinned against you whom I should love above all things. 

I firmly intend, with your help, to do penance, to sin no more, and to avoid whatever leads me to sin.

Our Savior Jesus Christ suffered and died for us. In his name, my God, have mercy.

Nguồn: vaticannews.va

Kinh ăn năn tội tiếng Pháp – Acte de contrition

Mon Dieu, j’ai un très grand regret de vous avoir offensé parce que vous êtes infiniment bon et que le péché vous déplaît. Je prends la ferme résolution, avec le secours de votre sainte grâce, de ne plus vous offenser et de faire pénitence.

Nguồn: vaticannews.va

Kinh ăn năn tội tiếng Đức – Akt der Reue

Mein Gott, aus ganzem Herzen bereue ich alle meine Sünden, nicht nur wegen der gerechten Strafen, die ich dafür verdient habe, sondern vor allem, weil ich dich beleidigt habe, das höchste Gut, das würdig ist, über alles geliebt zu werden. Darum nehme ich mir fest vor, mit Hilfe deiner Gnade nicht mehr zu sündigen und die Gelegenheiten zur Sünde zu meiden. Amen.

Nguồn: vaticannews.va

Kinh ăn năn tội tiếng Latin

Deus meus, ex toto corde paenitet me omnium meorum peccatorum,
eaque detestor, quia peccando,
non solum poenas a Te iuste statutas promeritus sum,
sed praesertim quia offendi Te,
summum bonum, ac dignum qui super omnia diligaris.
Ideo firmiter propono,
adiuvante gratia Tua,
de cetero me non peccatorum peccandique occasiones proximas fugiturum.
Amen.

Nguồn: prayinglatin.com

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang