Câu chuyện Filumena

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Kinh Hòa bình, Thánh Phanxicô thành Assisi

Bà và cháu giữa dịch Covid

Cuối tháng 4 năm 2020, con nhận tin bà ngoại con ốm nặng. Lúc đó là giữa đợt dịch bệnh Covid đang rất căng thẳng ở châu Âu. Ngoại là người đã nuôi dạy con từ ngày con mới có trí khôn. Khi con được chừng hai tuổi, gia đình con phá sản, đến nơi ở cũng không còn. Bố con đi Sài Gòn kiếm sống, còn mẹ con thì phát bệnh tâm thần vì sợ hãi. Ngày đấy ông ngoại đã mất, ngoại cũng chẳng có điều kiện gì về vật chất. Nhưng ngoại dang tay ra đón mẹ con, chị con và con về. Mẹ con, bà cháu « có rau ăn rau, có cháo ăn cháo ». Quả thực tuổi thơ con thiếu nhiều thứ, nhưng tình thương của ngoại thì đã đủ cho con trong suốt cuộc đời.

Mơ ước của ngoại

Khi con vừa tới tuổi mười ba, mẹ con mất một cách rất buồn thảm. Nhưng ngoại vẫn không lúc nào ngưng hy vọng, ngưng cầu nguyện cho con. « Bà cầu xin cho con mọi việc từ khởi sự cho tới khi hoàn thành ». Rồi con đậu đại học, rồi đi nước ngoài. Ngoại dù muốn con ở gần, nhưng vẫn nén nỗi buồn khuyên con ở lại sống bên châu Âu. « Khi nào bà ốm mà vẫn còn biết, thì con về cho bà gặp mặt nhá». Ngoại chỉ dặn dò con như vậy mỗi lần bà cháu trò chuyện với nhau.

Vậy nên ngoại ốm ngay lúc dịch bệnh nặng nề, các chuyến bay về Việt Nam thì đã bị hủy từ lâu, làm tim con rụng rời. Bây giờ về như thế nào? May sao có một chuyến bay duy nhất đưa người Việt hồi hương vào đầu tháng 5. Đã hết hạn đăng ký từ lâu, chẳng biết còn chỗ không, nhưng con vẫn gọi điện, viết thư xin về. « Ngoại con cũng như là người mẹ của con », con đã viết trong đơn đăng ký như thế.

Ngày về

May mắn là dù đăng ký muộn nhưng con vẫn được xét cho một chỗ trên chuyến bay. Mỗi ngày chờ đợi với con dài vô tận, vì ngoại càng ngày càng yếu. Con chẳng biết ngoại có đợi được con về không, vì ngày bay còn cách cả tuần lễ. Khi về tới Việt Nam con còn phải đi cách ly 14 ngày nữa. Hôm ra sân bay, và trong cả những ngày cách ly, con sợ lắm. Con sợ nếu mắc Covid bị cách ly kéo dài thì coi như chẳng còn cơ hội được gặp ngoại.

Trời mùa hè đã nóng, con trùm áo mưa kín người, tay đeo găng, mặt đeo hai khẩu trang. Về khu cách ly, con ở lỳ trong phòng. Ở bên ngoài, con luôn tự trấn an mình rằng ngoại sẽ khỏe lại, ngoại sẽ đợi được, con sẽ về chăm sóc ngoại. Nhưng trong sâu thẳm, con chỉ có một ước ao duy nhất là được về để hai bà cháu được thấy nhau dù chỉ một phút. Con ít khi cầu nguyện, nhưng những ngày ấy, con cầu xin Chúa cho con được gặp ngoại trước giờ lâm tử. Đối với con, như thế là một phép lạ.

Chờ đợi và lo lắng

Trên thực tế, chỉ cần một người trong số mấy trăm người về bị Covid, thì tất cả sẽ phải cách ly thêm nhiều ngày nữa. Xét nghiệm lần 1, không có ai mắc Covid. Con thêm hy vọng. Nhưng ngoại thì ngày càng yếu. Ngoại không ăn được nữa, rồi không nói được nữa, mỗi ngày chỉ nuốt được vài nhấp nước. Rồi thời gian tỉnh táo của ngoại càng ngày càng ít. Lúc đầu, ngoại tuy không nói được, nhưng còn có thể bấm đốt ngón tay như để nói với con là ngoại vẫn biết, đã được 2 ngày, rồi 3 ngày, rồi 4 ngày.

Đến khoảng ngày thứ 8 hay thứ 9 thì ngoại không đếm được nữa. Chưa lúc nào con thấy mình bất lực như vậy. Chỗ cách ly cách nơi ngoại nằm ba giờ chạy xe. Mỗi giờ trôi qua dài như vô tận. Con biết con còn khỏe mạnh mà cảm giác như thế, thì ngoại đang yếu mệt nằm đó còn thấy dài dằng dặc như thế nào.

Hy vọng

Đến sáng sớm ngày thứ 12, ngoại tỉnh một lát, dì gọi để bà cháu gặp nhau. Ngoại đưa tay với màn hình lại gần và mở mắt thật to để nhìn con cho rõ.

« Tên thánh của bà là Filumena, có nghĩa là con gái của Ánh sáng. Ánh sáng là Thiên Chúa. Tên thánh của bà là Filumena, con gái của Ánh sáng, thì bà không phải sợ bóng tối ». Không hiểu sao những lời cuối cùng con nói với ngoại là như vậy.

Sang ngày thứ 13, lúc khoảng 11 giờ, thì có kết quả xét nghiệm lần 2. Không có ai trong mấy trăm người về mắc Covid. Con tràn đầy hy vọng. Trưa mai thôi là đủ thời gian cách ly 14 ngày. Con làm đơn xin được xem xét cho về sớm giờ phút nào hay chút đấy. Thực lòng con biết chẳng có cơ hội nào được xét cho như vậy. Nhưng đấy là lúc con hy vọng nhiều nhất.

Sinh tử ly biệt

Nhưng phép lạ con xin thì không được. Quá 12 giờ, Chúa gọi ngoại về.

Trưa ngày thứ 14, con về tới nhà, muộn một ngày. Ngoại không còn nghe và thấy con nữa. Nhưng con còn được trông thấy ngoại, nắm tay ngoại lần cuối. Con thấy như thế cũng là một ơn trọng lắm rồi. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, mà con vẫn còn về được bên ngoại, dù đã chậm một ngày.

Dù vậy, con đau buồn và giận mình không về kịp, không ở bên ngoại những ngày cuối đời. Tối hôm ấy, khi mất bình tĩnh, con đấm vỡ hai miếng kính trên cửa. Kính vỡ, cắt nát bàn tay ở nhiều chỗ. Máu văng khắp phòng, rỏ xuống thấm ướt cả cái quần đang mặc. Những vết thương da thịt này giờ vẫn để lại nhiều sẹo. Nhưng có một điều con không ngờ. Những vết thương trong lòng con sẽ được chữa lành nhanh hơn nhiều, và theo một cách con chưa bao giờ ngờ tới.

Chuỗi hạt Mân Côi của ngoại

Ngoại mất rồi. Con đã nghĩ thế là hết. Ở quê nhà có tục lệ đốt hết đồ dùng của người đã khuất. Vậy nên khi con về thì hầu như chẳng còn lại gì của ngoại. Còn sót lại một đôi dép ngoại vẫn đi. Một cái khăn ngoại dùng vấn tóc. Một lọ thuốc khớp ngoại đang uống dở. Và một chuỗi hạt Mân Côi. Chuỗi hạt này ngoại mua cho mẹ con ngày mẹ con mới bệnh. Rồi mẹ con vì bệnh nên không lần hạt mấy khi, thành ra ngoại dùng.

Chuỗi hạt này ngoại lần mỗi ngày trong suốt gần 30 năm, cũng gần bằng số tuổi của con. Con vẫn nghe thấy những lời cầu nguyện của ngoại. «Xin Chúa thương mà cất sự bệnh nạn cho con con, để con con mạnh khỏe nuôi các cháu». «Con cầu xin cho cháu con mọi sự từ khởi sự cho tới lúc hoàn thành ». Tất cả những lời cầu nguyện của ngoại đều gắn với chuỗi hạt này. Nhớ tới ngoại, nên ba đêm sau khi ngoại về nơi lòng đất, con lần hạt.

Đấy là lần đầu tiên trong đời con tự mình lần hạt Mân Côi. Con lần hạt chỉ vì con nhớ ngoại. Ngày con nhỏ, ngoại lần hạt, còn con đọc theo, đôi khi ngủ gục. Khi con lớn lên, càng xa ngoại, càng bận rộn học lên cao nữa, càng nhiều bằng cấp, rồi đi làm, thì việc cầu nguyện càng ít. Mỗi lần về thăm nhà, thì con lại thích ngồi từ xa ngắm ngoại lần hạt hơn.

Ơn chữa lành cho cháu

« Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà… ». Con đọc 10 kinh Kính Mừng, mỗi kinh một hạt trên chuỗi Mân Côi, thì đọc một kinh Lạy Cha. Rồi con đọc một kinh Vực Sâu cầu cho linh hồn Filumena. Rồi thêm 10 kinh Kính Mừng, rồi lại thêm 10 kinh nữa.

Vừa hết 30 lần « Kính mừng Maria đầy ơn phúc… », thì kìa con ngửi thấy một mùi hương thơm dịu dàng. Mùi hương ấy phảng phất một lát, vừa dứt, thì ngay sau đấy là mùi thơm của ván gỗ. Con đã ngồi cạnh quan tài ngoại hai đêm, nên mùi gỗ đó con nhận ra.

Con biết là ngay giờ phút ấy, ngoại đã ở rất gần con. Con mắt thể xác con không nhìn thấy gì. Nhưng con mắt tinh thần con, vốn trước giờ đóng kín, trong giờ phút ấy đã được mở ra. Chính trong lúc con đau buồn nhất, thì con đã được an ủi một cách con không ngờ tới.

Niềm tin vào Đức Mẹ

Thay cho nỗi buồn, giờ là sự hân hoan vô cùng. Trong giờ phút ấy, con đã hiểu sự chết không có nghĩa là hết. Sự chết không đặt dấu chấm hết cho tình thương của ngoại con. Ngược lại, con hiểu rằng ngoại của con đã bắt đầu một cuộc sống mới. Một sự sống nơi không còn nỗi buồn, khổ đau trần thế.

Lúc đấy con mới hiểu và tin một câu con vẫn nghe thấy từ nhỏ. « Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời ». Con không phải là người dễ tin bất cứ điều gì. Nhưng giờ con thực sự tin bởi vì con đã thấy.

Đấy là lần đầu tiên, nhưng không phải là lần duy nhất các giác quan của con được cảm nhận những sự việc lạ lùng như thế. Trong những đêm sau, cũng đang khi lần chuỗi Mân Côi, con đã thấy ánh sáng trắng từ từ ngập tràn căn phòng nơi con nằm. Con biết những gì con đã trải qua trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt.

Con cũng hiểu về tình thương của Chúa và Mẹ Maria. Tình thương ấy được thể hiện qua ơn đặc biệt con vừa được nhận. Tình thương ấy được thể hiện qua tình thương và hy vọng kiên trì bền bỉ của ngoại con. Ngày còn nhỏ, con đã tưởng rằng mình là người kém may mắn. Nhưng giờ nhìn lại, con thấy rằng con đã may mắn đến thế nào khi được sống trong Tình thương của ngoại, không chỉ dành cho con mà cho tất cả mọi người đặc biệt là những ai đau khổ, bất hạnh.

Tình thương và Hy vọng được nhân lên

Cuộc đời mỗi người có những khoảnh khắc mà tất cả thay đổi. Đối với con, đó là ngày con về sống trong Tình thương của ngoại. Đó là ngày mẹ con mất để con học được cách sống vì tha nhân. Đó là ngày ngoại mất để con có một niềm tin sống động. Đó là những ngày sau này khi con vác thập giá đời mình cùng con gái Thanh Tâm Filumena của con, cháu của ngoại.

Con bắt đầu có ý tưởng về việc làm tượng Đức Mẹ và Chúa Giê-su ở một khoảnh khắc trong những ngày sau khi con có lại được niềm tin mới mẻ này. Con muốn thực hiện ý tưởng này vì con đã nhận được thật nhiều Tình thương và Hy vọng. Con mong muốn được trao đi như thế.

Vincent Chu, ghi lại lần đầu ngày 26/07/2021 tại hạt Fontainebleau, Pháp.

Lên đầu trang